Tuyết đầu mùa

Mùa đông, mình quẳng cái Weather Forecast của Google qua một bên, vì độ tin cậy về tuyết thấp. Các mùa khác mình không quan tâm, cùng lắm hồi trồng cây thì trông mưa, nhưng đến mùa tuyết mình trông tuyết, mà dự báo lại rất chập chờn. Lắm lúc, mình xem trước cả tuần tới tận 4-5 ngày tuyết, càng gần hơn thì biểu tượng snow lại biến mất, hoặc lúc ẩn lúc hiện rất là ức chế. Chẳng thà nó đừng đưa ra tuyết từ đầu. Năm vừa rồi mình đã mong chờ một Giáng sinh trắng xóa và tới năm nay vẫn còn thất vọng :D. Năm ngoái là năm đầu tiên mình cắp giỏ qua châu Âu mà mùa đông lại giở chứng mới, lạnh không lạnh, nóng không nóng, và tuyết rất ít so với các năm gần đây.

Đọc tiếp “Tuyết đầu mùa”

Trái cây mùa thu yêu thích

Là trái hồng giòn. Trong tiếng Slovak gọi là “kaki”.

Hồi ở VN mình ko có nhiều cơ hội ăn hồng giòn, chỉ được ăn hồng giòn sấy khô mua ở Đà Lạt, và một lần khác đồng nghiệp từ Hà Nội mang quà vô, cũng là hồng sấy. Nên thành ra không rõ vị trái hồng giòn ăn tươi ra sao. Nhưng hồng mềm lại rất quen thuộc. Hồng mềm thì thơm và rất ngọt. Mỗi tội trái khá nhỏ, lúc chín mềm rồi dễ bị dập, thêm khoản lột vỏ nữa, nhiều khi lột ra bị dính vỏ, chẳng còn bao nhiêu để cho vô miệng.

Đọc tiếp “Trái cây mùa thu yêu thích”

Về cái sự học

Trẻ không chơi, già đổ đốn. 😂

Đối với người khác mình không rõ, nhưng với mình, sự học mới bắt đầu vui khi rời ghế nhà trường ngày cuối cùng. Sau khi ra khỏi đại học, môn đầu tiên mình đi học trở lại là bellydance. Vẫn còn nhớ lúc đó (23 tuổi thì phải), học hừng hực, học rất chăm, hay dán mắt nhìn cô múa cho thiệt kĩ, tập đi tập lại với một khí thế phấn khởi nhất. Đầu luôn nghĩ học cho ra học vậy mới bõ đồng tiền bát gạo. Không biết học chăm là vì tiền mình tự kiếm tự đóng, hay là được học môn mà mình tự đăng ký, không bị ép buộc bởi mong muốn từ người khác. Chắc là cả hai.

Đọc tiếp “Về cái sự học”

Biên niên ký chim vặn dây cót

Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót (Tái Bản 2017) | Tiki.vn

Mở đầu truyện đã gây tò mò với cuộc gọi điện thoại từ một cô gái lạ mặt cùng yêu cầu dị thường. Tiếp sau đó là hàng loạt sự kiện lạ lùng xảy ra với nhân vật chính kể từ sau khi nghỉ việc, cộng với lời tiên đoán của ông chú vợ có khả năng ngoại cảm phải “cẩn thận với nước”. Sự gặp gỡ lần lượt với những nhân vật kỳ quặc, người nào cũng có một câu chuyện đời vừa dài vừa đen tối như những cánh rừng già. Thậm chí cô gái Kasahara May 16 tuổi đầu thôi cũng không kém cạnh với sự từng trải và nội tâm già dặn. Đây là quyển Haruki thứ 2 mình đọc, sau Rừng Nauy, tạm rút ra kết luận là có vẻ ông í thích khắc họa các nhân vật nữ theo kiểu hơi bịnh bịnh, “méo mó” (trích từ tác giả) và hơi hướng sexual, porno kiểu Nhật. Tuy vậy, trong đầu mình luôn hình dung ra mấy cô này đều đẹp, mềm mại và nữ tính (như trong phim 🤣). Còn nhân vật nam chính của ông trong cả 2 truyện đều là người có phần bị động, đón chờ những sự kiện dần dà ập tới với mình, khi hứng chịu đủ đầy rồi cuối cùng quyết định đứng lên hành động. Có review nói anh này thụ động. Mình thấy chữ “thụ động” hơi mang nghĩa negative. Mình có chút cảm tình với anh này vì dù sao cũng là người nội tâm ít nói, nói nhiều mệt đầu lắm 😅.

Đọc tiếp “Biên niên ký chim vặn dây cót”

Mùa thu đi test covid

Sáng nay ngày 31.10.2020, cả làng nhà mình đi test corona, là vòng đầu tiên của cuộc xét nghiệm toàn dân, chỉ diễn ra trong 2 ngày cuối tuần. Bọn mình tranh thủ đi sớm lúc 9h sáng để khỏi phải xếp hàng chờ đợi lâu trong buổi sớm trời mưa lạnh, có lẽ nhiều người còn lười biếng chưa ra khỏi nhà. Đến nơi thì đã có một hàng tầm 10 người đang đứng đợi. Ở một đầu khác của hội trường làng là cỡ 5-6 nhóm khác nhau đang đứng đợi kết quả.

Trong lúc xếp hàng, anh chồng mình chit chat với người quen, kể cũng lâu lắm rồi không gặp nhiều người làng như vậy. Hết nói chuyện với người phía trước tới người phía sau, vẫy tay chào những người xa hơn. Xếp hàng phía sau mình là một bà cụ 80 tuổi, lọm khọm chống gậy, vẻ mặt rạng rỡ, cũng bon chen nói chuyện với bạn chồng, mà lát sau bọn mình mời bà lên trước để khỏi đợi lâu hơn. Theo quy định thì trên 65 tuổi được khuyến khích không cần xét nghiệm vì tránh cho họ tập trung đông người mà dễ lây nhiễm hơn, và theo chính phủ thì họ là nhóm ít giao tiếp xã hội, dành phần lớn thời gian trong nhà.

Đọc tiếp “Mùa thu đi test covid”

Mưa (Mùa thu đầu tiên)

Tháng 10. Mưa dầm dề. Sáng thức dậy, cửa sổ đã được kéo kín từ đêm qua, trong phòng tối om. Chút tia nắng yếu ớt từ bên ngoài lọt vào từ phòng bên cạnh không đủ để ta biết đã mấy giờ rồi. Chỉ muốn kéo chăn trùm kín vai tiếp tục cuộn tròn chu du vào những giấc mơ không đầu không cuối. Rốt cuộc cũng phải ngồi dậy vì chuyện cơm ăn áo mặc. Tự pha cho ta một ly trà nóng. Loại trà vừa để nóng bụng, vừa để detox giúp cơ thể healthy hơn khi trời chuyển mùa. Tự cho mình năm phút mở toang cửa ban công, thấm cái lạnh của gió và mưa mùa thu, tự nhủ đã có ly trà nóng trong tay, ta ứ sợ.

Hớp miếng trà, vai rụt lại, đưa mắt nhìn đám cây oằn mình trong sức gió 30km/h. Hai trái táo đỏ còn sót lại đang đung đưa dữ dội trên ngọn cây nhà hàng xóm. Con mèo con chơi gần bục cửa, thò đầu ra ngoài ban công ngó nghiêng, bị mưa giọt trúng đầu, lật đật chạy phắt vô nhà, không nghĩ tới việc ra ngoài thám thính nữa. Ta, một đứa đã sống quá lâu trong những cơn mưa dai dẳng của miền Nam VN từ mỗi độ tháng Tám, mới ngộ ra, hóa ra, mùa thu ở trời Tây, không hẳn chỉ là lá vàng lá đỏ rơi lụng khắp lối, lãng mạn như bức tranh ta thường thấy. Mà đây, cơn mưa kéo dài 8 ngày đã đưa ta về thực tại: thu đến chỉ là khúc dạo đầu của mùa đông mà thôi.

An Chi – 15 Oct 2020

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia