Mình thăm đảo Bali vào cuối tháng 6 đầu tháng 7 và khá ngạc nhiên là đảo khá mát, thậm chí hơi lạnh, nhiệt độ cao nhất chỉ tầm 28 độ.
Buổi chiều đầu tiên “ập” tới đảo, bọn mình chỉ ra biển gần khách sạn nhẹ nhàng (để dành những phần cực nhọc cho các ngày sau). Homestay nơi mình ở nằm sát bên cạnh sân bay quốc tế Bali (Ngurah Rai). Từ homestay, mình có thể đi bộ 15 phút là đến được bờ biển phía Tây của đảo (đoạn Kuta beach, Tuban beach). Nhờ vậy mà ngay ngày đầu tiên, mình đã đón ngay luôn được cảnh mặt trời lặn rất đẹp trong lúc ăn bữa chiều mà không biết trước là mình có diễm phúc đó. (Lần trước mình cũng đến Bali, nhưng chuyện tìm kiếm nhà hàng để vừa ăn tối vừa ngắm sunset có chút khó khăn nên không nghĩ lần này lại may mắn dễ dàng vậy).
Bọn mình không lựa chọn nhà hàng cầu kì vì thực sự không plan nhiều trước khi đi, chỉ di dọc bãi biển Kuta, thấy một cửa hiệu tên Mr. Sendy với ghế gỗ, vài chiếc dù trắng xinh xinh và các món không quá lạ lẫm (phòng trường hợp bụng chưa quen với ẩm thực mới) thì sà vào thôi.
Mie goreng mình biết chắc nó là gì nên order nhanh gọn luôn. Nó là món mì xào, thường là mì gói í. Mì gói mi goreng thương hiệu của Indonesia cũng được bán rộng rãi ở các siêu thị lớn trong Sài Gòn.
Còn bạn chồng mình thì gắn bó với đồ Tây mọi lúc mọi nơi có thể, gọi bánh pancake chuối. Dừa ở Bali to vật vã, mình uống miệt mài mà không thấy cạn. Tiệm Sendy này khá ổn (nằm trên biển Kuta) nên mấy ngày sau bọn mình vẫn quay lại để nhâm nhi vài món Bali, uống bia Bintang và ngắm mặt trời từ từ tắt nắng.
Ngồi một lúc thì có người bán rong rất chuyên nghiệp lượn tới chỗ mình. Sau màn bắt tay, hỏi tên bọn mình và tự giới thiệu bằng tiếng Anh thì cô ấy bắt đầu bày lên bàn các loại vòng đeo tay chân. Mình khá quen thuộc với các mặt hàng rong lòng vòng các biển Đông Nam Á nên liếc sơ qua thì mình không có ý định mua gì cả. Nhưng bạn chồng mình thì lại đang trong cơn háo hức của ngày đầu tiên, muốn “support nền kinh tế của đảo”. Ok cũng được vậy. Bọn mình chọn ra được 1 dây cho mỗi người: vòng tay bằng vải handmade cho anh ấy và lắc chân bằng hạt đơn giản cho mình. Trong lúc lựa mình có gặn hỏi giá cả nhưng Julie (tên cô bán hàng rong) không chịu nói mà cứ liên tục nói “rẻ lắm rẻ lắm”. Đến lúc chốt món xong xuôi cô ấy mới chịu báo giá: 150.000 rupee (~250.000vnd) cho 2 món hàng thủ công chưa đến 30k theo mình đánh giá 😂. Mình trả còn tầm 50k vnđ thì cô ấy chấp nhận.
Ngồi một lúc bọn mình thấy một cô khách Tây lớn tuổi đi qua đi lại “giao dịch” với một anh bán bắp nướng trên biển xa xa cách chỗ bọn mình tầm 20 bước chân. Sau khi “chặn” cô Tây lại hỏi giá bắp nướng thì bạn chồng đĩnh đạc cầm tiền đi ra mua một trái cho cả hai, vì bọn mình đã khá no sau bữa ăn ở trên.
Bắp nướng ở đây làm khá đơn giản, nhưng mình chấm điểm nhỉnh hơn loại bắp nếp nướng rưới dầu hành ở VN thỉnh thoảng mình ăn, vì các lý do sau:
– Bắp ở đây họ sử dụng là bắp Mỹ, nướng lên vẫn giòn ngọt không bị cứng như bắp nếp ở nhà (mình nghĩ họ có hấp lên rồi sau đó nướng qua để lấy vị nướng thôi).
– Họ quết nước sốt và gia vị đặc lên bắp bằng cọ rồi nướng thêm chút xíu nữa là dùng được. Gia vị thì mình nghĩ là nước đường pha đặc, sốt thì có sốt tương ớt cũng đặc đặc cho ai thích ăn cay. Nước sốt không chảy vãi khắp nơi như bắp quết dầu hành ở VN.
– Họ dùng giấy gói bắp, chứ không “dục” vô bao xốp độc hại cho khách mang đi.
– Khách ăn bắp xong hổng có …dục cùi bắp ra biển như ở quê nhà mình. 😅
Nói tóm lại là ngày đầu tiên bọn mình vẫn còn ngây ngất với đảo. Sau khi ngây ngất thì gặp nhiều chuyện cũng ngất ngây mình sẽ kể tiếp tromg các bài sau nhé.
Cảm ơn mọi người đã đọc blog.
An Chi